Ho khan là tình trạng bệnh rất phổ biến và dễ dàng bắt gặp ở nhiều đối tượng khác nhau từ trẻ nhỏ tới người già. Về cơ bản nếu bạn chỉ bị ho khan, không ho kéo dài và không kèm theo biểu hiện bệnh khác thì cũng không quá ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng về lâu về dài thì sẽ có một vài tác động tới cuộc sống, và nếu tình trạng ho khan kéo dài không dứt thì người bệnh cần phải được đưa đi kiểm tra sức khỏe. Cùng tìm hiểu xem ho khan thường có biểu hiện như thế nào và nguyên nhân nào sẽ dẫn tới tình trạng ho khan trong bài viết dưới đây.
Ho khan là ho như thế nào?
Ho khan là tình trạng ho mà không tạo ra đờm hoặc các chất nhầy, thường thì ho khan cấp tính thường trong khoảng 1-2 tuần và ho khan mãn tính trong khoảng trên 4 tuần. Ho khan có rất nhiều triệu chứng, biểu hiện khác nhau như đau nhức hay ngứa rát ở cổ họng, một số người ho kéo dài hoặc để tình trạng nặng hơn có thể ảnh hưởng tới việc nuốt nước bọt, thức ăn, khó thở hoặc thở khò khè.
Mặc dù ho khan sẽ không nguy hiểm tới tính mạng nhưng chỉ trong trường hợp không ho thường xuyên, kéo dài, và không có những biểu hiện khác. Nếu để tình trạng ho kéo dài có thể dẫn tới kiệt sức, buồn nôn, đau cơ ngực do ho nhiều lần, mất tiếng,…
Nguyên nhân dẫn tới ho khan
Ho khan có thể do rất nhiều nguyên nhân, từ nguyên nhân bên trong đến tác động từ bên ngoài:
- Hen suyễn: Ho khan là một trong những triệu chứng nhận biết chính của bệnh hen suyễn. Ngoài ra, người mắc bệnh còn có những biểu hiện rõ rệt khác như đau tức ở ngực, khó ngủ, khó thở hoặc thở khò khè,…
- Trào ngược dạ dày thực quản: Ho khan thường xảy ra khi trào ngược dạ dày. Các triệu chứng khác thường gặp như đau ngực, ợ nóng, khó nuốt hoặc viêm họng mãn tính,…
- Chảy nước mũi sau: Chảy nước mũi sau là khi chất dịch nhầy từ mũi chứa vi khuẩn sẽ chảy xuống vòm họng, gây viêm và kích thích dây thần kinh ở phía sau cổ họng dẫn tới ho khan.
- Nhiễm vi rút: Cảm lạnh thông thường do nhiễm vi rút thường chỉ kéo dài dưới một tuần. Nhưng triệu chứng ho thì vẫn có thể kéo dài ít nhất là 2 tháng kể cả khi đã hết cảm lạnh.
Ho khan còn do một số tác nhân gây bệnh khác như:
- Tác động từ môi trường: Ho khan có thể do hít phải những chất kích ứng đường thở chứa trong môi trường ô nhiễm như nấm mốc, khói bụi hoặc phấn hoa hay các loại hạt hóa học tồn tại trong không khí gây nên như nitric oxide hoặc sulfur dioxide. Bên cạnh đó, không khí quá khô hoặc quá lạnh cũng sẽ gây kích ứng niêm mạc họng dẫn đến ho khan.
- Tác dụng phụ của thuốc gây ức chế ACE: Sử dụng một số loại thuốc sẽ gây ức chế ACE có thể gây tác dụng phụ ho khan như Lisinopril (Prinivil và Zestril) và Enalapril (Vasotec).
- Ho gà: Ho khan là một trong những triệu chứng nhận biết điển hình của ho gà. Những dấu hiệu nhận biết khác gồm là sốt cao, mí mắt nặng hoặc hít vào thở ra có tiếng như tiếng rít cổ của gà.
- Ung thư phổi: Ho khan thường sẽ liên quan đến bệnh ung thư phổi.
- Tràn khí phổi: Bệnh có thể tự xảy ra hoặc phản ứng với chấn thương ở vùng ngực. Tràn khí phổi thường hay gặp phổ biến ở những đối tượng có bệnh phổi tiềm ẩn. Ngoài ho khan, bệnh thường gây đau tức ngực và khó thở.
- Suy tim: Bệnh xảy ra khi cơ tim không bơm máu bình thường. Suy tim thường phổ biến ở người mắc bệnh cao huyết áp hoặc bệnh động mạch vành. Ho khan dai dẳng là một trong những triệu chứng nhận biết điển hình của căn bệnh này.
Tình trạng ho khan có thể là biểu hiện của nhiều bệnh nên khi có tình trạng ho khan bất thường chúng ta cần tới cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra kỹ lưỡng.
Bình luận