Bị ong đốt là một trong những tai nạn thường gặp trong những ngày hè. Khi bị ong đốt cần được cấp cứu nhanh vì nọc độc của ong có thể sẽ khiến nạn nhân bị nhiễm độc, sốt, sốc phản vệ, suy thận cấp, tan máu… thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
Mức độ nhiễm độc khi bị ong đốt phụ thuộc vào chủng loài ong và số lượng nốt đốt. Nạn nhân bị nhiễm độc nặng khi số lượng nốt bị đốt nhiều và gần vị trí quan trọng như đầu, cổ…
Khi bị ong đốt nhiều (5-10 nốt trở lên), đặc biệt với vết đốt trên đầu, mặt, cổ, vai trên, nạn nhân cảm thấy trong người mệt, khó chịu, sưng đau cần phải đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Có trường hợp, nạn nhân chỉ bị ong đốt 2 nốt nhưng bị nhiễm độc rất nặng.
Sơ cứu đúng cách khi mới bị ong đốt sẽ tránh bệnh diễn biến nặng, suy đa tạng.
Khi bị ong đốt cần làm gì?
- Cần nhanh chóng rời đi khu vực có ong.
- Dùng nhíp kẹp nhổ vòi chích của ong ra. Cần làm cẩn thận và nhẹ nhàng, tránh nặn ép vì có thể làm nọc độc lan rộng.
- Rửa sạch vùng da nơi bị đốt bằng nước ấm và xà phòng. Bôi dung dịch sát khuẩn như cồn 70 độ hoặc povidine 10% lên vết đốt hai lần mỗi ngày.
- Uống nhiều nước hơn để đào thải độc tố ra ngoài.
- Chườm đá lạnh lên vết đốt để có thể giảm sưng và giảm đau.
- Xử lý xong cần phải đưa người bị ong đốt đến cơ sở y tế để theo dõi.
Phòng tránh ong đốt
- Không chọc phá tổ ong.
- Đứng im, ngồi im và không cử động nếu ong bay đến.
- Thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để ong không đến làm tổ.
- Tránh mặc quần áo màu sặc sỡ, không dùng nước hoa, dầu gội đầu, mỹ phẩm… có mùi thơm khi đi dã ngoại hoặc vào rừng để tránh thu hút ong.
Bình luận